7 tháng đầu năm, doanh nghiệp mua lại hơn 86.500 tỷ đồng trái phiếu

20/08/2022 00:32

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối tháng 7/2022, khối lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính đã có những thông tin liên quan đến thị trường trái phiếu 7 tháng đầu năm 2022. 

Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu mạnh nhất

Theo ông đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từ năm 2019 đến nay đã tăng trưởng nhanh, đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp.

Tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm 2022 là 280.641 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp BĐS chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%. Riêng trong tháng 7, 84,4% tổng khối lượng TPDN riêng lẻ phát hành là của các TCTD, các doanh nghiệp BĐS, xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.

Nhà đầu tư chính mua TPDN phát hành trên thị trường sơ cấp là các tổ chức tín dụng (mua 46,14%), công ty chứng khoán (mua 22,43%), các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%. Tuy nhiên, theo thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.

Tình hình phát hành những tháng gần đây cho thấy, nếu như trong quý I, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% thì sang quý II, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành, chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44%.

Bên cạnh đó, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trước hạn TPDN lớn với khối lượng mua lại trong 6 tháng đầu năm đạt 62 nghìn tỷ. Trong đó tập trung chủ yếu vào Quý II (đạt 49,1 nghìn tỷ).

Tính đến cuối tháng 7/2022, khối lượng mua lại là 86.556 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi giảm mạnh trong tháng 4 thì khối lượng phát hành đã tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm các tổ chức tín dụng. Nhóm bất động sản vẫn tiếp tục phát hành nhưng khối lượng phát hành thấp hơn rất nhiều so với Quý I/2022.

 

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Qua công tác giám sát thị trường, ông chỉ ra một số rủi ro tiềm ẩn trên thị trường TPDN. Trong đó, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu những vẫn tham gia mua TPDN. 

"Trên các mạng xã hội, hội nhóm gần đây đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm với chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2-3 triệu đồng", ông nói.

Bên cạnh đó, cùng với việc lãi suất có xu hướng tăng cao, việc huy động của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, các doanh nghiệp bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất TPDN để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành; hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm chất lượng cao hơn; tăng điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức giám sát...

Với các nhà đầu tư cá nhân, ông cho rằng trước khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần cân nhắc việc trái phiếu không phải là tiền gửi ngân hàng. Trong đó, trái phiếu được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi.

Bên cạnh đó, hiện pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Tài chính - Ngân hàng - 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp mua lại hơn 86.500 tỷ đồng trái phiếu

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính.

Việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán chào mời cá nhân mua trái phiếu không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.

Ngoài ra, ông Dương cũng cảnh báo phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu riêng lẻ hiện này là bất động sản, các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản này.

Thông tin về tài sản đảm bảo được doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị và các cam kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.

Ông Dương cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư cần lưu ý rằng với các tài sản đảm bảo là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Bạn đang đọc bài viết "7 tháng đầu năm, doanh nghiệp mua lại hơn 86.500 tỷ đồng trái phiếu" tại chuyên mục KINH TẾ - TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com