Cơ sở nào để Tân Tạo đề nghị HOSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo?

08/06/2023 13:00

Đại diện Tân Tạo (ITA) nhấn mạnh, việc kéo dài quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cơ sở nào để Tân Tạo đề nghị HOSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo?

Năm 2023, ITA đặt mục tiêu có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ với trọng tâm đẩy mạnh cho thuê khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn.

Ngày 7/6, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc báo cáo khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và đề nghị đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo.

Phía ITA cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin và khắc phục toàn bộ nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị cảnh báo theo yêu cầu của HOSE.

Vì vậy, ITA đề nghị HOSE ban hành quyết định đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo theo quy định. "Việc kéo dài quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước" - đại diện ITA nhấn mạnh.

Trước đó, cổ phiếu ITA bị HOSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 6/9 vì vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Cụ thể, ITA đã công bố báo cáo tài chính vào cuối tháng 7, trong đó nêu thông tin tạm ứng cho Chủ tịch HĐQT Maya Dangelas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến) với số tiền 1.936 tỷ đồng để tham gia dự án ở Mỹ, khiến dư luận xôn xao vì số tiền chuyển ra nước ngoài quá lớn.

Tuy nhiên, ngày 5/8, ITA bất ngờ công bố lại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 vì lý do trước đó đã "hạch toán sai". Trước diễn biến trên, HOSE đã ba lần yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về vấn đề này nhưng đổi lại vẫn là sự im lặng, dẫn đến cổ phiếu ITA của doanh nghiệp bị cảnh báo.

Tới tháng 12/2022, ITA đã có văn bản gửi HOSE về việc khắc phục những nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào cảnh cáo, đồng thời đề nghị HOSE xem xét đưa doanh nghiệp ra khỏi diện này theo quy định.

Đến tháng 3/2023, HOSE duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu ITA do doanh nghiệp này chưa khắc phục hết các nguyên nhân đưa vào cảnh báo và tiếp tục vi phạm công bố thông tin trong 6 tháng kể từ ngày ra quyết định cảnh báo.

Sau một tháng, đến tháng 4/2023, ITA tiếp tục bị HOSE ra quyết định đưa vào diện cảnh báo vì tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của ITA.

Biến động nhân sự cấp cao

Ngay sau những "lùm xùm" trên, cũng trong tháng 4/2023, Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc với ông Đặng Quang Hạnh từ ngày 1/4/2023. Ông Hạnh có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc, hồ sơ tài liệu đang quản lý cho Tổng giám đốc mới.

Thông báo của ITA không nêu rõ lý do miễn nhiệm. Dù vậy, ông Hạnh vẫn là một trong ba Thành viên HĐQT của ITA.

Được biết, ông Hạnh sinh năm 1961, là em ruột của bà Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) và anh trai ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC).

Đây là lần thứ hai ông Hạnh rời ghế tổng giám đốc ITA sau khi trở lại vị trí này vào tháng 5/2022, tức chưa đầy một năm đương nhiệm.

Trước đó năm 2017, ông từng ngồi ghế CEO ITA song chỉ khoảng 1 tháng đã xin từ nhiệm vì không thường xuyên có mặt tại công ty để điều hành và quản lý công việc. Bà Maya Dangelas đã kiêm nhiệm thêm vị trí Tổng Giám đốc bắt đầu từ thời điểm đó.

Quyết tâm có lãi

Năm 2023, ITA đặt mục tiêu có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ với trọng tâm đẩy mạnh cho thuê khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Trong đó, kế hoạch doanh thu đạt 775 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm trước.

Chỉ tiêu lợi nhuận thuần ở mức 257 tỷ đồng, thể hiện quyết tâm đảo chiều khoản lỗ thuần 217 tỷ đồng của năm 2022.

Điểm lại năm 2022, sau khi khất trừ thuế, ITA gánh lỗ ròng 257 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ tận 404 tỷ đồng.

Một nội dung khác cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, đó là ITA dự định thoái toàn bộ vốn đầu tư tại hàng loạt doanh nghiệp thành viên như: Công ty CP Sài Gòn Đà Lạt, Công ty CP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC), Công ty CP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC2), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Tân Tạo, Công ty CP Khu công nghiệp Cơ khí – Năng lượng Agrimeco Tân Tạo.

Đồng thời, ITA cũng có kế hoạch thoái vốn, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần tại các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hoặc liên kết đầu tư.

Kết thúc quý I vừa qua, ITA ghi nhận doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái lên 66 tỷ đồng; ngược chiều, lợi nhuận sau thuế giảm không đáng kể xuống mức 15 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ITA có đợt tăng mạnh từ cuối tháng 5 đến nay. Giá cổ phiếu đã "bỏ túi" hơn 50% so với thời điểm so sánh, hiện đứng ở mức 6.220 đồng/cp (chốt phiên giao dịch sáng 8/6).

Tin "kém vui" cho cổ đông ITA

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định về việc đưa cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân ...

11 năm chật vật tìm về mệnh giá, lãnh đạo Tân Tạo nỗ lực đưa ITA tăng trần?

Phiên 24/5, ITA bất ngờ tăng trần với thanh khoản đột biến. Tại ĐHCĐ, lãnh đạo chia sẻ năm 2022, Tân Tạo đã thiệt hại ...

Bạn đang đọc bài viết "Cơ sở nào để Tân Tạo đề nghị HOSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com