Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, tiêm vắc-xin là "vũ khí chiến lược"

23/06/2022 21:08

Vắc-xin phòng Covid-19 không có miễn dịch bền vững, hiệu lực giảm tương đối nhanh, do đó Bộ Y tế khuyến cáo để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4.

Cần tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại

Theo TTXVN, nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu (ECDC) và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

WHO nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch. Tổ chức này cũng cảnh báo về những biến thể mới của Covid-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Trong đó, Omicron hiện là biến thể phổ biến trên thế giới, nhưng có thể chưa phải là biến thể cuối cùng.

Còn ECDC nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây; khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

Tại Việt Nam, số mắc Covid-19 thời gian qua có xu hướng giảm mạnh, nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày gần đây tại một số tỉnh, thành phố. Từ thực tế, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia thì việc xâm nhập vào nước ta là có thể xảy ra và có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới.

Để duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiếp tục tiêm vắc-xin tăng cường, mũi nhắc lại, nhất là những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có đợt tiêm chủng do ngành y tế phát động, người dân vẫn cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại để ổn định kháng thể. Tuy nhiên, cần tuân thủ thời gian theo dõi sau tiêm, cẩn thận chú ý các triệu chứng bất thường để can thiệp kịp thời.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của Covid-19; chủ động có giải pháp ứng phó để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.

Sự kiện - Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, tiêm vắc-xin là 'vũ khí chiến lược'

Người dân nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều. 

Tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại có xu hướng chậm lại?

Thông tin trên Người Lao Động, theo nhận định của Bộ Y tế, tiến độ tiêm vắc-xin trong thời gian qua có xu hướng chậm lại. Nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5 thì đến hết quý II/2022 dự báo chỉ đạt gần 70% mục tiêu phủ vắc-xin cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch. Với tiến độ này, có khả năng không sử dụng hết số vắc-xin đã tiếp nhận cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi.

"Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc-xin phòng Covid-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc-xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới", lãnh đạo Bộ Y tế nói.

Một số địa phương đã đề nghị Bộ Y tế điều chuyển số lượng lớn vắc-xin phòng Covid-19 và tạm thời chưa phân bổ tiếp vắc-xin sau khi Bộ này yêu cầu các tỉnh tiếp nhận vắc-xin theo kế hoạch. Số vắc-xin này có hạn dùng tới ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng họ chưa tiếp nhận vắc-xin là do chưa kịp sử dụng hết số vắc-xin được phân bổ từ các đợt trước trong khi vắc-xin được rã đông sớm, hạn sử dụng còn lại rất ngắn, thậm chí có nguy cơ phải hủy bỏ nếu tiếp tục tiếp nhận thêm.

Ngoài ra, do tình hình dịch đã giảm mạnh, nhiều người dân mắc Covid-19 đã khỏi bệnh không tự nguyện tham gia tiêm chủng mũi bổ sung và mũi nhắc lại nên tốc độ tiêm chủng chậm.

Trao đổi với PV về vấn đề vì sao người dân "né" tiêm vắc-xin mũi 4? TS.BS Lê Thanh Toàn, chuyên gia về y học gia đình và là người tham gia xuyên suốt công tác chống dịch Covid-19 tại Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) cho biết, qua thực tế tiếp nhận thăm khám cho người dân trong thời gian gần đây, ông nhận thấy có nhiều trường hợp ngại tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại (mũi 3-4), vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, tình hình dịch tại Tp.HCM đã cải thiện, số ca mắc Covid-19 giảm sâu và gần như không có ca bệnh cộng đồng.

Thứ hai, nhiều người dân nghe thông tin truyền miệng và trên mạng xã hội về việc sau tiêm có các tác dụng phụ như cao huyết áp, ngứa, ảnh hưởng trí nhớ, tay chân đau… Có những trường hợp đã tự trải nghiệm ở những lần tiêm đầu tiên, nên khi nghe phải tiêm tiếp mũi 4, họ mang tâm lý e ngại.

TS.BS Toàn nhận định, dù hiện tại dịch đã phần nào được kiểm soát nhưng việc tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 vẫn cần thiết. Bởi sau thời gian khoảng 6 tháng, kháng thể sẽ không còn mạnh và sẽ có nguy cơ tái nhiễm bệnh, kể cả nhiễm lại chủng cũ hoặc nhiễm chủng mới. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp phát hiện mắc bệnh 2-3 lần.

Về vấn đề tác dụng phụ, chuyên gia thừa nhận sẽ có một tỉ lệ nhỏ xảy ra phản ứng không mong muốn. Tuy nhiên sau một thời gian dài chống Covid-19, ngành y tế Tp.HCM đã có nhiều kinh nghiệm về tiêm chủng nên sẽ có những chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động xử lý khi các biến chứng xảy ra.

Lợi ích tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hoa Kỳ, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin trước nguy cơ phải cấp cứu hoặc điều trị khẩn cấp là 87% trong vòng 2 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường (mũi vắc-xin thứ 3), nhưng giảm xuống còn 66% trong tháng thứ 4. Hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ nhập viện là 91% trong 2 tháng đầu sau tiêm, nhưng giảm xuống 78% vào tháng thứ 4 sau khi tiêm.

Một số nước đã triển khai tiêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 thứ 4 như Mỹ, Australia và một số quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Thụy Điển,… cho biết, việc tiêm mũi thứ 4 giúp duy trì khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng đối với những người lớn tuổi hoặc những người có nguy cơ cao.

Bộ Y tế Isarel cũng thông tin, mũi vắc-xin phòng Covid-19 thứ 4 giúp ngăn ngừa khả năng lây nhiễm gấp 2 lần, khả năng mắc bệnh nặng gấp 3 lần so với những người tiêm 3 mũi vắc-xin và số liệu thống kê cho thấy, tiêm mũi thứ 4 làm giảm số ca lây nhiễm từ 20% đến 30%.

Mặt khác, virus tiếp tục biến đổi tạo nên những biến chủng mới khó lường, do đó vắc-xin vẫn là lá chắn cần thiết để bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh.

Hiện nay, ở nước Việt Nam, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Bệnh Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy, vắc-xin vẫn rất cần thiết trong việc bảo vệ con người khỏi những diễn biến khó lường của dịch.

Đặc biệt, theo các đơn vị chuyên môn và sản xuất vắc-xin, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh không phải duy trì lâu dài hoặc tồn tại mãi trong cơ thể con người, mà nó sẽ giảm theo thời gian và dần dần sẽ mất khả năng bảo vệ. Do đó, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại càng cần thiết.

Khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cũng cho thấy, mũi nhắc lại của vắc-xin phòng Covid-19 có thể giúp tăng cường sự bảo vệ hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, việc tiêm vắc-xin không phải là bắt buộc, tuy nhiên ngành y tế khuyến khích tiêm vắc-xin đối với tất cả người dân.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế người cần tiêm mũi 4 (mũi tăng cường thứ 2) là người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp. Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vắc-xin ngừa Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.

Trong văn bản mới đây nhất, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh ưu tiên tiêm mũi 4 cho đối tượng công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp, người làm dịch vụ du lịch có nguy cơ cao lây nhiễm.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, tiêm vắc-xin là "vũ khí chiến lược"" tại chuyên mục SỰ KIỆN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com