“Kỳ lân” VNG nối dài thua lỗ

03/02/2023 20:30

Công ty CP VNG (mã: VNZ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 với khoản lỗ 1.315,4 tỷ đồng.

VNG đã có quý thứ 5 thua lỗ liên tiếp
VNG đã có quý thứ 5 thua lỗ liên tiếp.

Cụ thể, trong quý IV/2022, doanh thu thuần của VNG đạt 2.036,6 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu tài chính của VNG giảm hơn 1 nửa so với qíu IV/2021 còn 27,7 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lại tăng gấp 6 lần lên 50,2 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG cũng tăng lần lượt 4,2% và 22,7% so với cùng kỳ lên 699,3 tỷ đồng và 448,4 tỷ đồng. Ngoài ra, VNG còn ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên kết 39,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 10,7 tỉ đồng) và lỗ khác lên tới 446,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 197,7 tỷ đồng).

Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến quý IV/2022 VNG ghi nhận khoản lỗ 547,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 267,5 tỷ đồng của quý IV/2021. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của VNG đạt 7.800,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm 2021; lợi nhuận âm 1.315,4 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của VNG đạt hơn 9.092 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tập đoàn công nghệ này sở hữu 3.079 tỷ đồng tiền, tương đương tiền cũng như tiền gửi ngân hàng, chiếm 1/3 tổng tài sản, so với đầu năm đã giảm 2.000 tỷ đồng.

Trong năm vừa qua, VNG đã rót thêm hơn 1.000 tỷ đồng cho các startup. Tuy nhiên, trong danh mục này chỉ có duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm.

Tính đến ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng, dẫn đầu là khoản đầu tư vào Tiki Global với số lỗ 510,1 tỷ đồng, tiếp đến là Telio (lỗ 58,1 tỷ đồng), Funding Asia (lỗ 44 tỷ đồng), Ecotruck (lỗ 23,8 tỷ đồng).

Còn trên báo cáo tài chính riêng lẻ, VNG ghi nhận tổng giá trị khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết tại ngày 31/12/2022 đạt 4.843,6 tỷ đồng, tăng 89,6% so với đầu năm.

Trong đó, khoản đầu tư của VNG vào CTCP Zion – chủ sở hữu ví điện tử ZaloPay - chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đầu tư lên tới 2.962,7 tỷ đồng, tăng 1.081,6 tỷ đồng (tăng 57,4%) so với đầu năm.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Công ty CP Zion đã được nâng lên mức 69,98%, tăng so với mức 60% tại thời điểm đầu năm. Ngoài ra, báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2022 của VNG còn cho thấy, doanh nghiệp này đã trích lập dự phòng tới 2.861 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tăng 1.320,2 tỉ đồng, tăng 85,6% so với đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, kể từ khi lên sàn vào ngày 5/1, cổ phiếu VNZ đã có phiên khớp lệnh đầu tiên vào ngày 1/2 với đúng 100 cổ phiếu được giao dịch. Khối lượng giao dịch này được duy trì trong 2 phiên tiếp sau đó (2-3/2), thị giá cổ phiếu cũng ghi nhận 3 phiên tăng trần liên tiếp lên 444.300 đồng/cp - tiếp tục củng cố vững chắc vị trí “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức giá 1,7-1,9 triệu đồng/cp cách đây vài năm được thực hiện bởi Temasek hay Mirae Asset.

Với hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ đang nắm giữ (tỷ lệ 9,837% vốn), khối tài sản trên sàn chứng khoán của Lê Hồng Minh - CEO VNG cũng tăng thêm hơn 700 tỷ, qua đó vượt mức 1.560 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "“Kỳ lân” VNG nối dài thua lỗ" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com