Nhớ lời 'chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi' 60 năm trước

(Chinhphu.vn) - Cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ có nhiều năm Mão rất đặc biệt - đó là những dấu son in đậm trong hành trình cuộc đời và sự nghiệp trường tồn cùng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Năm Ất Mão (1915), Nguyễn Tất Thành bước vào hành trình bôn ba ở nước Anh - xứ giá lạnh sương mù. Lao động cực nhọc không làm nhụt ý chí, nghị lực và khát khao tìm bằng được con đường dẫn tới độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

Tác giả John Callow trong bài viết "Tiếng sấm mùa xuân" suy đoán thời gian này ở London, "lần đầu tiên Hồ Chí Minh đã đọc các tác phẩm của K. Marx và F. Engels". Đây là cơ sở lý luận ban đầu rất quan trọng để 5 năm sau (năm 1920) Người tìm đến chủ nghĩa Marx-Lenin trong tâm trạng "cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng" và "vui mừng đến phát khóc lên" rồi trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Năm Đinh Mão (1927), trên con đường truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin về Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết Đường kách mệnh làm sách gối đầu giường cho thế hệ cách mạng đầu tiên, trong đó có 2 chỉ dẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay: "(1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người". Với chỉ dẫn ấy, cả một thế hệ thanh niên của đất nước lựa chọn "chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lenin" làm "cẩm nang" thần kỳ, kim chỉ nam dẫn dắt dân tộc đi đến thắng lợi.

Năm Kỷ Mão (1939), trên hành trình trở về "giúp đồng bào chúng ta", lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua báo Notre Voix gửi về nước 8 điểm định hướng cho đường lối, chủ trương cách mạng Việt Nam, trong đó Người lưu ý: Phải tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi; phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo, lôi kéo tư sản dân tộc về phía Mặt trận; kiên quyết chống tư tưởng bè phái… Sau đó Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Người tổ chức Mặt trận Việt Minh và cùng Đảng chuẩn bị những điều kiện chủ quan, khách quan, khi thời cơ tới đã phát động đồng bào toàn quốc "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"; Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm Tân Mão (1951), cuộc kháng chiến và kiến quốc đang trên đà thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Đảng lần thứ II (lần đầu tiên tổ chức ở trong nước), đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam. Đó là Đảng mà "quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của cả dân tộc là một […]; đó là "Đảng của dân tộc Việt Nam" lãnh đạo toàn dân kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi hoàn toàn.

Năm Quý Mão (1963), đất nước đang bị chia cắt, hai miền Nam Bắc đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, nhưng cùng nhằm thực hiện mục tiêu chung giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Năm ấy, công việc bề bộn, hậu phương miền Bắc bước vào thời kỳ quan trọng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong khi đó ở miền Nam đang đẩy mạnh "3 mũi giáp công" chống các chiến lược tân kỳ của chiến tranh thực dân mới. Sát Tết, Bác Hồ gửi thư chúc Tết đồng bào Hải Phòng, nhắc nhở mọi người "ăn Tết cho vui vẻ, phấn khởi nhưng phải tiết kiệm, ăn Tết xong phải khẩn trương sản xuất ngay".

Đến thăm đồng bào Hà Tây đang chống hạn, Người chỉ rõ: "Chống hạn cũng như đánh giặc. Phải hết sức cố gắng, phải đồng tâm hiệp lực đánh cho kỳ thắng giặc hạn", để "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa". Từ năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra tiền lệ cho nền dân chủ cộng hòa: Người trồng cây và phát động Tết trồng cây. Từ đó Người thường xuyên viết bài đăng trên báo Nhân Dân, nhắc nhở mọi người nhớ ngày Tết trồng cây. 

Năm 1963, Người lại dặn trồng cây "chẳng những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn". Năm ấy, bước vào tuổi 73, Bác Hồ có buổi đi chợ tết. Người vào chợ hoa, dừng chân xem ông đồ viết câu đối tết và muốn mua một bó hoa huệ.

Giao thừa năm ấy (ngày 25/1/1963), Người đọc Lời chúc mừng năm mới nhắc đến thực tế đất nước: "Trong khi ở miền Bắc, chúng ta vui vẻ ăn Tết, lòng chúng ta vẫn luôn luôn ở bên cạnh đồng bào miền Nam đang đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng chống chế độ bạo tàn của Mỹ - Diệm. Càng thương đồng bào miền Nam, chúng ta càng phải lao động cần cù, phấn đấu hăng hái hơn nữa cho Bắc, Nam mau được sum họp một nhà". Người khẳng định:

"Nước Việt Nam ta là một,

Dân tộc Việt Nam ta là một.

Dù cho sông cạn đá mòn,

Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà.

Cuộc đấu tranh của toàn dân ta để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi".

Người chúc:

"Chúng ta cùng nhau

Mừng năm mới,

Cố gắng mới,

Tiến bộ mới,

Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi"

Thắng lợi của năm ấy, như Người phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa II (ngày 8/5/1963) là thắng lợi trên cả hai miền: "Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Bắc".

Thắng lợi của năm ấy còn là thắng lợi của niềm tin: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng".

Tròn 10 năm sau lời "chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi", Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1/1973), quân và dân Việt Nam đã "đánh cho Mỹ cút", sau đó tiến lên "đánh cho ngụy nhào"; hơn 12 năm sau, ngày 30/4/1975 toàn dân "sung sướng vui mừng" hát vang "như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

Nhìn lại 60 năm, với đất trời và tiết khí, "Hội" của con tạo cứ xoay vần; với thời vận của đất nước và ý chí của dân tộc, Việt Nam đã kết tạo những quá trình chuyển biến lớn lao.

Năm Ất Mão (1975) non sông đã "toàn thắng về ta", Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước càng nhớ công ơn Người bôn ba 60 năm trước.

Năm Đinh Mão (1987) đất nước vẫn đi theo "Đường Kách mệnh" đã chọn và bước vào công cuộc đổi mới, đúng như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ dẫn trong trang đầu cuốn sách "muốn sống thì phải cách mệnh".

Năm Kỷ Mão (1999), chỉ chưa đầy ¼ thế kỷ, Việt Nam đã hoàn toàn khắc phục hậu quả chiến tranh và thoát khỏi khủng hoảng, vững bước trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Năm Tân Mão (2011), Việt Nam trong thế kỷ mới đã có tầm nhìn thập kỷ và bước dài 10 năm, "Đảng của dân tộc Việt Nam" đã thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Năm Quý Mão (2023), thực hiện di nguyện và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", đất nước đã có "cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế".

60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh "chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi", 60 năm sau, hiện thực hóa khát vọng hùng cường, Việt Nam đang trở thành "nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp". Từ Quý Mão này, đất nước sẽ tiếp nối những "năm nhiều thắng lợi", để đến năm 2030 trở thành "nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao" và "năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Hà Minh Hồng


Link nội dung: https://diendanthuongmai.vn/index.php/nho-loi-chuc-quy-mao-la-nam-nhieu-thang-loi-60-nam-truoc-a76935.html