"Kịch bản VN-Index về 950 điểm khó xảy ra"

23/06/2022 20:48

Hơn 60% mã chứng khoán đã giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index nhưng mức P/E hiện đang thấp và hấp dẫn. Đây là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu.

Chỉ số VN-Index hiện đã giảm về dưới ngưỡng 1.200 điểm, phá vỡ vùng test hỗ trợ, cũng phá vỡ niềm tin của nhà đầu tư về khả năng phục hồi của thị trường. Nhiều cổ phiếu tốt cũng không tránh được "bão" khi liên tục giảm điểm, thậm chí không ít mã bị bán sàn la liệt. 

Nhiều nhà đầu tư đang muốn rời bỏ thị trường và bối rối với danh mục khi mà vừa "bắt đáy" tuần trước, thì tuần này cổ phiếu vẫn giảm mạnh hơn, dù phiên giao dịch ngày 23/6 tăng điểm song các nhà đầu tư hầu hết đều ghi nhận thua lỗ.

Tại tọa đàm "Chọn Danh mục" với chủ đề "Hành động trong mắt bão" được tổ chức ngày 23/6, các chuyên gia đã cùng nhận định về thị trường, dự báo chỉ số VN-Index thời gian tới và đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.

60% mã giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index

Tại tọa đàm, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, người có 15 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán cho biết trên 60% mã chứng khoán giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index.

"Chứng khoán chưa chinh phục được mốc 1.300 điểm và thậm chí phiên hôm qua đã quay lại mức đáy thiết lập trước đó, phải đến hôm nay (phiên 23/6) mới bật trở lại. Nếu nhìn vào mức giảm của chỉ số, VN-Index chỉ giảm hơn 9% nhưng có nhiều mã giảm mạnh hơn mức này. Hơn một nửa có mức giảm trên 20%, còn lại giảm trên 30%", ông nói.

Lý giải về mức giảm này, ông Hiển cho biết thứ nhất, thị trường thời gian vừa rồi chịu tác động của các yếu tố không tích cực, đặc biệt thông tin về việc lạm phát Mỹ tăng cao, FED tăng lãi suất 0,75% là mức mạnh. "Điều này tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính Việt Nam", ông Hiển nói thêm.

Tài chính - Ngân hàng - 'Kịch bản VN-Index về 950 điểm khó xảy ra'

Ông Ngô Thế Hiển cho biết trên 60% mã chứng khoán đang giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index.

Thứ hai, ông Ngô Thế Hiển chỉ ra một yếu tố cộng hưởng khiến thị trường có đợt giảm giá là áp lực bán nhằm hạ tỉ lệ margin của nhà đầu tư.

Yếu tố thứ 3 là 2 năm gần đây, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường lớn. Trong đó ,năm 2021 số tài chứng khoán đã lập kỷ lục. "Năm 2020 mới có 2,7 triệu tài khoản thì năm 2021 con số đã lên tới 4,3 triệu. Gần nhất, tháng 5/2022 con số đã vượt 5,7 triệu tài khoản, và mức này vượt cả mục tiêu đến năm 2025 của Bộ Tài chính", ông Hiển dẫn số liệu.

Trong số này, ông Hiển nhận định chủ yếu là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân - đối tượng hoạt động tích cực 2 năm trở lại đây trên thị trường chứng khoán. "Đây là tác nhân góp phần làm cho thị trường đi lên và có 2 năm tăng trưởng mạnh bất chấp khối ngoại rút vốn ròng. Tuy nhiên việc tham gia đông như vậy thường dẫn đến yếu tố tâm lý trên thị trường lớn theo. Điều này dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu bất chấp triển vọng kinh tế và triển vọng doanh nghiệp", ông Hiển nhận định.

Cũng tại tọa đàm, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) cho biết tại thị trường chứng khoán Việt, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 90% tổng số tài khoản, trong khi con số này ở Đài Loan chỉ khoảng 50%. Bà Phương chỉ ra thêm yếu tố khiến thị trường giảm điểm như vừa rồi.

Cụ thể, bà Phương cho rằng thị trường năm 2021 đã bước vào "giai đoạn hưng phấn". "Ba tháng đầu năm, chúng ta nhìn thấy thị trường vẫn đi ngang. Nhìn lại năm 2021, có nhiều cổ phiếu nhỏ, dù không có yếu tố hỗ trợ vẫn tăng giá mạnh. Nhìn thấy làn sóng hưng phấn như vậy nên sự điều chỉnh là cần thiết và lành mạnh", bà nói.

Bên cạnh đó, khi có thêm những sự kiện  tiêu cực trong nước và thế giới thì bỗng nhiên có một cú sốc tâm lý.

"Kịch bản VN-Index về 950 điểm khó xảy ra"

Ông Ngô Thế Hiển cho rằng trên thị trường, sau một đợt tăng mạnh luôn có nhịp điều chỉnh. “Chúng ta đang ở giai đoạn điều chỉnh của chỉ số và ngưỡng tâm lý 1.200 điểm cần phải vượt qua. Đây đã là đáy hay chưa thì cần thêm thời gian theo dõi. Tôi cho rằng về mặt chỉ số, vẫn có một số mốc hỗ trợ bên dưới như 1.150 điểm, 1.130 điểm và 1.080 điểm. Kịch bản VN-Index về 950 điểm theo tôi khó xảy ra”, ông nhận định.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài Phương duy trì quan điểm thận trọng.

Tài chính - Ngân hàng - 'Kịch bản VN-Index về 950 điểm khó xảy ra' (Hình 2).

Bà Nguyễn Hoài Phương duy trì quan điểm thận trọng về thị trường. 

"Trong quý III, chúng ta phải để ý tốc độ gia tăng của lạm phát Mỹ - đây là yếu tố chính tạo sự bi quan của nhà đầu. Thị trường Việt những năm gần đây đã có biến động tương quan với thị trường Mỹ. Yếu tố lạm phát tại Việt Nam cũng là điều cần quan tâm", bà nói.

Theo bà, lạm phát Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước phát triển nhưng khó có thể định lượng được. Khi thị trường quá bán thì nhà đầu tư sẽ nhạy cảm với tin tức, chính sách điều hành…

"Theo tôi, nhà đầu tư cần để ý các yếu tố: khi nào các ngân hàng sẽ có room tín dụng mới, việc thực thi gói lãi suất hỗ trợ 2%, vấn đề Trung Quốc mở cửa khôi phục lại và những thay đổi ở Nghị định 153 liên quan đến phát hành trái phiếu… Những yếu tố này quyết định xu hướng thị trường trong quý III", bà Phương nhấn mạnh.

Thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu

Ông Ngô Thế Hiển cho biết định giá P/E của VN-Index hiện tại ở mức 13 lần là mức thấp và hấp dẫn. "Nếu chúng nhìn lại, mức P/E 5 năm trở lại đây của VN-Index ở khoảng 16,5 lần còn 10 năm là 16 lần", ông nói. 

Ông lưu ý, khi thị trường biến động mạnh, những nhà đầu tư ít kinh nghiệp, mới tham gia thị trường nên hạn chế bắt đáy. "Biến động giá cổ phiếu giảm làm ta thích bắt đáy, đợi hàng về nhưng không ai có thể biết đâu là đáy, chúng ta bắt sai và dùng đòn bẩy thì thiệt hại rất lớn. Bắt đáy chỉ phù hợp với người có kinh nghiệp lâu năm và mức chủ động rủi ro cao", ông Ngô Thế Hiển nhấn mạnh. 

Ông Hiển khuyên nhà đầu tư khi mua cổ phiếu cần chú ý tới 3 yếu tố. Thứ nhất là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để xem triển vọng tương lai ra sao. Thứ 2 là yếu tố quản trị để xem sự đồng hành của lãnh đạo cùng doanh nghiệp. Thứ 3 là nền tảng tài chính của doanh nghiệp. Ông cho biết, có những doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, nếu nền tảng tài chính kém thì vẫn có thể tăng trưởng. 

Bà Nguyễn Hoài Phương cũng đồng tình với ý kiến định giá và mức chiết khấu của thị trường so với các nước khu vực thì vẫn rẻ và đang có sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài sau 2 năm bán ròng. "Đây là thời điểm tốt để tích lũy dài hạn", bà nói. Dù vậy, bà lưu ý hiện có nhiều yếu tố không thể dự báo, nhà đầu tư phải cẩn trọng và tự quản lý rủi ro trên danh mục của mình.

Bạn đang đọc bài viết ""Kịch bản VN-Index về 950 điểm khó xảy ra"" tại chuyên mục KINH TẾ - TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com