Phát hiện hàng loạt mỹ phẩm, thuốc nhập lậu bán "trôi nổi" trên mạng

27/11/2020 23:00

Ngày nay, vì ham kiếm lời cao nên nhiều người bán hàng online đã giới thiệu sản phẩm của mình là hàng xách tay, hàng chuẩn và là hàng "xịn" để đánh lừa người tiêu dùng. Nhưng thực chất, những sản phẩm này lấy ở đâu, nguồn gốc ra sao thì chỉ họ mới biết.

Cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm BVSK Đường huyết hoàn Halifa trên một số website

Cẩn trọng với thông tin quảng cáo TPBVSK Xương khớp Mộc Thanh trên một số website

Cụ thể, tại Đồng Tháp, mới đây Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Đồng Tháp đã phát hiện tài khoản facebook "misushopdt" giới thiệu, chào bán các sản phẩm mỹ phẩm, hàng hoá tiêu dùng qua giám sát thị trường thương mại điện tử trên địa bàn.

Ngày 18/11, Đội đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, quần áo do ông Lê Văn Tâm làm chủ, địa chỉ: Số 01, Nguyễn Đình Chiểu, khóm 3, phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Kết quả kiểm tra phát hiện tại cơ sở kinh doanh đang bày bán hàng hóa nhập lậu gồm 758 sản phẩm mỹ phẩm là sửa rữa mặt, kem tẩy trắng, kem dưỡng thể, nước hoa v.v., không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng, tổng trị giá tang vật vi phạm là 31.860.000 đồng.

phat hien hang loat my pham thuoc nhap lau ban troi noi tren mang
QLTT Đồng Tháp phát hiện mỹ phẩm nhập lậu kinh doanh qua mạng xã hội (Ảnh QLTT)

Qua đấu tranh ông Tâm khai nhận, ông mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 30.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Trước đó, tại Lạng Sơn, Cục QLTT Lạng Sơn vừa phát hiện, ngăn chặn 800 tuýp thuốc chữa bệnh Á sừng được lái xe mua trôi nổi tại khu vực cửa khẩu về để bán cho người tiêu dùng tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Cụ thể, ngày 14/11/2020, Tổ địa bàn Bắc Sơn - Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Bắc Sơn tiến hành khám xe ô tô khách biển kiểm soát 20B-008.41, do lái xe Hoàng Văn Vĩnh điều khiển.

Tại thời điểm khám, trong xe ô tô đang vận chuyển 03 loại hàng hóa, có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam gồm Thuốc mỡ chữa bệnh Á sừng, tất nữ, giầy vải nữ các loại. Lái xe Hoàng Văn Vĩnh xuất trình cho Đoàn kiểm tra 01 tờ hóa đơn bán hàng lập ngày 14/11/2020, do ông Lộc Văn Lập địa chỉ số 11, Khu Ga, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn xuất bán cho bà Vũ Thị Hương địa chỉ phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Hàng hóa trên hóa đơn gồm 1.000 đôi tất và 50 đôi giày vải nữ có trị giá ghi trên hóa đơn là 4,5 triệu đồng.

phat hien hang loat my pham thuoc nhap lau ban troi noi tren mang
QLTT Lạng Sơn phát hiện 800 tuýp thuốc chữa bệnh Á sừng lậu được vận chuyển trên xe ô tô chở khách (Ảnh QLTT)

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện 800 Tuýp thuốc mỡ chữa bệnh Á sừng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa được lái xe khai nhận là mua của những người không quen biết ở khu vực cửa khẩu để bán kiếm lời.

Qua xác minh, Đoàn kiểm tra đã xác định, lập biên bản vi phạm hành chính, trình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Lộc Văn Lập về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 1.500.000 đồng và buộc Hộ kinh doanh Lộc Văn Lập nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền là 4.500.000 đồng;

Lập biên bản và trình ban hành Quyết định xử phạt đối với lái xe Hoàng Văn Vĩnh về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thuốc chữa bệnh với số tiền phạt là 10.000.000 đồng đồng thời buộc ông Hoàng Văn Vĩnh tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm là số thuốc mỡ nêu trên dưới sự giám sát của Đoàn kiểm tra.

Mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm

Người bán hàng nhập lậu có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

"Hàng hóa nhập lậu" gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng.

Kinh doanh thực phẩm, thuốc quá hạn sử dụng có thể bị buộc tiêu hủy và phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng

Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng (tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;

- Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;

- Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

- Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Nếu người sản xuất, nhập khẩu thực hiện một trong các hành vi vi phạm hành chính nêu trên thì mức phạt tiền bị áp dụng là gấp đôi, lên đến 100.000.000 đồng.

Tuy nhiên, mức phạt trên là áp dụng với cá nhân. Tổ chức vi phạm mức phạt gấp đôi so với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

Bạn đang đọc bài viết "Phát hiện hàng loạt mỹ phẩm, thuốc nhập lậu bán "trôi nổi" trên mạng" tại chuyên mục HÀNG HÓA - THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com