Bộ Tư pháp vào cuộc kiểm tra tình trạng khó bán TSBĐ thu nợ của các nhà băng

Một trong những kế hoạch công tác năm 2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp đặt ra cho Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng là kiểm tra các đơn vị bán đấu giá tài sản bảo đảm (TSBĐ) nhiều lần nhưng bất thành.

Khu công nghiệp Phong Phú vừa được Sacombank rao bán lần thứ 5
Khu công nghiệp Phong Phú vừa được Sacombank rao bán lần thứ 5.

Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) - Bộ Tư pháp vừa có Quyết định số 161/QĐ-TCTHADS ban hành Kế hoạch công tác năm 2023 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Theo đó, Cục THADS tại các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo kết quả năm 2023 đạt tỷ lệ cao hơn năm 2022 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.

Đáng chú ý, kế hoạch yêu cầu tập trung kiểm tra các đơn vị có lượng án tín dụng ngân hàng có điều kiện thi hành lớn, giá trị phải thi hành cao, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đã bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng chưa thành, bán đấu giá thành nhưng chưa giao cho người mua trúng đấu giá. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo tổ chức thi hành các vụ việc đã có chỉ đạo, kết luận của các đơn vị liên quan.

Trước đó, vào cuối tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiểm tra thông tin "ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo" tài sản được mang ra đấu giá chủ yếu là bất động sản, có dự án cả ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, chỉ trong 2 tháng đầu năm, hàng loạt ngân hàng như Agribank, Vietinbank, BIDV, NCB, Sacombank…liên tục rao bá các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều khoản nợ đã được chào bán nhiều lần nhưng không thành công, những khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo.

Có thể kể đến 18 khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú tại Sacombank vừa được rao bán lần thứ 5 với giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng. Sacombank cho biết, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.

Hay như khoản nợ của Công ty CP Thép Việt Nhật vừa được BIDV mang ra đấu giá lần thứ 14 với giá khởi điểm 133,7 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, nhà máy cán thép tại Km 9 quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng, TP Hải Phòng... Bên cạnh đó, tài sản thế chấp cho khoản nợ này còn có một xe Toyota Camry GLI, một chiếc Mercedes E240 và một xe Toyota Hiace 16 chỗ.

Bên cạnh những khoản nợ lớn, VietiBank còn đưa 646 khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân đã mất khả năng trả nợ và không có tài sản đảm bảo.Tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) của các khoản nợ này 12,7 tỷ đồng. Giá khởi điểm của các khoản nợ xấu này được ngân hàng rao bán đúng bằng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt).

Tuy nhiên, ngân hàng cho biết có bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc bán tất cả khoản nợ cùng nhau. Đáng chú ý, trong số này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm chỉ 13.216 đồng, trong khi khoản nợ có giá trị cao nhất hơn 206 triệu đồng.

Link nội dung: https://diendanthuongmai.vn/bo-tu-phap-vao-cuoc-kiem-tra-tinh-trang-kho-ban-tsbd-thu-no-cua-cac-nha-bang-a82309.html