Sau một năm 'lãi đậm', Viglacera (VGC) hạ mục tiêu lợi nhuận 2023 xuống còn 1.300 tỷ đồng

24/03/2023 13:33

Tổng công ty Viglacera (VGC) dự báo, năm 2023, giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu có xu hướng tăng, là nguyên nhân tác động đến chi phí, gây 'hao mòn' lợi nhuận.

Sau một năm 'lãi đậm', Viglacera (VGC) hạ mục tiêu lợi nhuận 2023 xuống còn 1.300 tỷ đồng

Về chiến lược trung và dài hạn, Viglacera hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế, phát triển ở hai lĩnh vực chủ chốt là vật liệu xây dựng và bất động sản.

Dự báo lợi nhuận giảm sâu

Nhìn lại năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) đạt 2.305 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu có tốc độ tăng chậm hơn, ước đạt 14.595 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều đó cũng cho thấy biên lãi ròng của Viglacera đã cải thiện tốt, thông qua kiểm soát các chi phí liên quan.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng gạch ốp lát vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất của Viglacera, chiếm 24% (3.570 tỷ đồng), tăng 40%; nguồn thu lớn thứ hai đến từ dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng công nghiệp gần 3.340 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, đóng góp 23% vào doanh thu.

Với kết quả trên, Viglacera đã vượt 37% kế hoạch lợi nhuận và hoàn thành 97% kế hoạch doanh thu ĐHĐCĐ giao phó năm 2022.

Sang năm 2023, theo thông tin tại báo cáo thường niên năm 2022 mới công bố, Viglacera đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 10% so với mức thực hiện năm 2022.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm mạnh 44% xuống còn 1.300 tỷ đồng, phản ánh khả năng sinh lợi của Viglacera đang gặp nhiều thách thức, giảm sút hơn năm trước khá mạnh.

Về kế hoạch cổ tức 2023, ban lãnh đạo Viglacera dự trình cổ đông chốt ở mức 20% bằng tiền, tương đương năm 2022.

Giải thích cho kế hoạch kinh doanh trên, Viglacera cho biết việc này đặt trong bối cảnh giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu có xu hướng tăng, tác động đến chi phí.

Bên cạnh đó, trong năm nay, một mục tiêu quan trọng của Viglacera là thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo Quyết định ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Mở rộng quỹ đất ở nước ngoài, 'lấn sân' phân khúc nhà ở xã hội

Về chiến lược trung và dài hạn, Viglacera hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế, phát triển ở hai lĩnh vực chủ chốt là vật liệu xây dựng và bất động sản. Trong đó mục tiêu chính là phát huy tối đa năng lực của các nhà máy, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng hiện có và đang đầu tư.

Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, công ty tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hoá sản phẩm và đầu tư phát triển vào nhóm sản phẩm mũi nhọn như kính xây dựng, sứ vệ sinh – sen vòi, gạch ốp lát…

Viglacera dự kiến triển khai đầu tư Nhà máy kính nổi siêu trắng giai đoạn 2, dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile (nhà máy Mỹ Đức 2) với công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tư mở rộng tại các nhà máy hiện có của các đơn vị thành viên như Công ty CP Viglacera Hà Nội, Công ty CP Viglacera Thăng Long, Nhà máy Mỹ Đức tại Bà Rịa-Vũng Tàu…

Về lĩnh vực bất động sản, công ty tập trung phát triển đầu tư, kinh doanh và vận hành hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) và dịch vụ tại các KCN hiện có. Phát triển mở rộng quỹ đất tại các địa bàn có tiềm năng (miền Trung, miền Nam) và nước ngoài (Cuba).

Viglacera đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số các KCN của công ty lên hơn 20 KCN với trên 10 KCN mới với tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000ha. Bên cạnh đó, công ty cũng phát triển đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở KCN, nhà ở thương mại và bất động sản nghỉ dưỡng, vận hành và khai thác các KCN, khu đô thị hiện có.

Về lộ trình tái cơ cấu, Viglacera tiếp tục kế hoạch thoái vốn ở các doanh nghiệp không hoạt động hiệu quả như Công ty CP Gạch gói Từ Sơn, Công ty CP Gốm Yên Hưng, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc, Công ty CP Từ Liêm và cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, công ty sẽ gia tăng thành lập mới, tăng tỷ lệ vốn góp ở các công ty nếu phù hợp với chiến lược phát triển.

Viglacera (VGC) báo hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh doanh tháng 1/2023

Kết phiên 9/2/2023, cổ phiếu Viglacera (VGC) giảm 1,1% về mức 35.600 đồng/cp.

Cơ hội nào cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp năm 2023

Mặc dù triển vọng ngắn hạn có phần hạn chế, tuy nhiên với lợi thế sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn, Mirae ...

Công ty con của Viglacera (VGC) sắp chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 24%

Sau khi tăng mạnh hơn 40% hồi cuối tháng 2/2023, cổ phiếu VIM của Khoáng sản Viglacera đã đi ngang với mức giá 28.900 đồng/cp.

Bạn đang đọc bài viết "Sau một năm 'lãi đậm', Viglacera (VGC) hạ mục tiêu lợi nhuận 2023 xuống còn 1.300 tỷ đồng" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com