Thị trường nông sản Việt Nam đang lấn sâu vào thị trường Mỹ

23/06/2022 17:45

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5 giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt 258 triệu USD, giảm 23% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam tích cực đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường châu Âu

5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra tăng gần gấp đôi

Cụ thể, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, đạt 722 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả trong 5 tháng đầu năm bởi trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 51% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Dù vậy, một tín hiệu đáng mừng khi cơ cấu chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khó tính rất rõ nét như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

5857-nongsan
Ảnh minh họa

Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Mỹ chiếm 7,6%, tăng 2,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2021; Hàn Quốc chiếm 3,8%, tăng 1,6 điểm % và Nhật Bản chiếm 3,7%, tăng 1,1 điểm %.

Đây đều là các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả, vì vậy xuất khẩu hàng rau quả được vào các thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt ở thị trường Mỹ, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam là rất lớn nhờ các yếu tố dân số 330 triệu người, thu nhập đầu người cao, người tiêu dùng Mỹ ngày càng chú trọng tới thành phần rau quả trong bữa ăn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ trái cây lớn với mức tiêu thụ 12 triệu tấn/năm. Sản xuất trái cây tươi tại thị trường nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, còn lại 30% (tương đương 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu. Do đó, dư địa cho ngành hàng trái cây của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này là rất lớn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo trái cây của Việt Nam phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn chính là vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; Sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.

Trước đó, thát biểu tại Diễn đàn "Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/6, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: 5 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lý do là bởi thị phần rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc giảm sâu.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, song riêng mặt hàng chuối lại ghi nhận tăng trưởng vượt bậc. Trong 5 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chuối Việt Nam chiếm thị phần 43%, vượt qua Philippines với thị phần 28%.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam. Lý do là bởi Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng.

Về bối cảnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc nửa cuối năm, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách "Zero Covid" trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lương Phước Vinh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho rằng, rau quả nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung hiện đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thiếu thông tin để định hướng thị trường.

Trong bối cảnh công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam hiện đã được triển khai khá tốt, theo ông Lương Phước Vinh, nhiều thị trường ở châu Âu rất tiềm năng với nông sản Việt, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra. "Điều quan trọng là Việt Nam cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường. Các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ", đại diện Tập đoàn Tentamus khẳng định.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường nông sản Việt Nam đang lấn sâu vào thị trường Mỹ" tại chuyên mục HÀNG HÓA - THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com