Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững

24/04/2024 12:30

Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững (ESG), các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng công bố thông tin về ESG để giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin cho quyết định đầu tư của mình

Ngày 23/4/2024, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra Hội thảo “ESG in Action - ESG với các hành động thực tiễn”. Đây là sự kiện do HNX, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), Hội Thành viên Độc lập HĐQT Doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) và Phân viện Kiểm toán Nội bộ Việt Nam (IIA Vietnam) phối hợp cùng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về ESG, bao gồm Công ty CP Tư vấn Quản trị CGS Việt Nam (CGS Vietnam) và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (EGP Vietnam) tổ chức.

Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững
Hội thảo “ESG in Action - ESG với các hành động thực tiễn”

Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý, có sự hiện diện của ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN); ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX); ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán – Bộ Tài chính; bà Hà Thị Phương Thanh - Phó trưởng phòng Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán – Bộ Tài chính; ông Đỗ Văn Tâm - Phó Tổng giám đốc HNX và bà Hồ Thị Phương Tú - Giám đốc Phòng Quản lý niêm yết HNX. Cùng với đó là sự góp mặt của các chuyên gia, đông đảo đại diện doanh nghiệp và đại diện các bên hữu quan chung mối quan tâm thúc đẩy ESG tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Đặng Thế Đức - Tổng Thư ký VNIDA cho biết, Hội thảo “ESG in Action - ESG với các hành động thực tiễn” được tổ chức với mong muốn chia sẻ các nội dung tích hợp ESG trong hoạt động quản trị cũng như kinh nghiệm thực tế về triển khai ESG tại doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự tham gia của các doanh nghiệp cùng các bên hữu quan như VNIDA, IIA Vietnam, CGS Vietnam, EGP Vietnam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), FiinGroup,..., Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về định hướng, đồng thời giải đáp những thắc mắc về cơ hội và thách thức trong việc thực hiện ESG cho các doanh nghiệp.

“Những năm gần đây, khái niệm ESG (viết tắt của Environmental, Social và Governance hay Môi trường, Xã hội và Quản trị) được nhắc đến ngày một nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, cũng như sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thông lệ quốc tế theo xu hướng kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn. Giờ đây, ESG không chỉ dừng lại ở một xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng để các tổ chức tài chính đưa ra quyết định đầu tư, để doanh nghiệp quản trị rủi ro”, ông Đức khẳng định.

Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững
Ông Đặng Thế Đức - Tổng Thư ký VNIDA

Xây dựng mô hình ESG từ yếu tố “G”

Chia sẻ từ góc nhìn của VNIDA - một tổ chức chuyên môn về quản trị công ty, ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng - Chủ tịch VNIDA cho hay, quy trình xây dựng mô hình ESG nên bắt đầu từ yếu tố “G” (quản trị). Lý giải về vấn đề này, ông Thắng cho hay: “Ở đây tôi không nói về việc yếu tố nào là quan trọng nhất trong mô hình ESG mà nói đến việc tác động vào yếu tố nào để mang tới hiệu quả nhanh nhất. Nếu tác động vào yếu tố “E” và yếu tố “S” đều đòi hỏi chi phí cao và nguồn lực lớn thì việc tác động vào “G”, tức là khiến những người “có nghề quản trị” thay đổi mindset, tư duy, chủ động học tập và áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới, đâu đó “tiêu tốn” ít nguồn lực hơn, nhưng lại giúp doanh nghiệp đi đúng hướng, từ đó tạo ra hiệu quả nhanh hơn”.

Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững
Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng - Chủ tịch VNIDA

Theo ông Thắng, phát triển bền vững không phải là một xu hướng, mà là tư duy trong chiến lược xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Do đó, quy trình xây dựng mô hình ESG sẽ theo thứ tự G-E-S, bắt đầu từ “G” đến “E” rồi đến “S”. Tại buổi Hội thảo, Chủ tịch VNIDA đã phân tích cụ thể vai trò HĐQT trong việc giám sát thực hành ESG cũng như ảnh huởng của ESG đối với quyết định của HĐQT, đồng thời phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng mô hình giám sát ESG để các doanh nghiệp có thể lựa chọn cấu trúc phù hợp với mình.

Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng nhấn mạnh: “ESG giờ không còn là “vỏ bọc” chỉ mang tính “thời trang” mà đã trở thành “bệ đỡ”, là yếu tố mà doanh nghiệp bắt buộc phải tính tới nếu muốn tiếp cận thị trường phát triển”.

Liên quan đến vấn đề này, về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) - top 19 doanh nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, bà Nguyễn Phương Chi – Giám đốc chiến lược cho hay, là một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may, trong bối cảnh phát triển bền vững của ngành, khi các thương hiệu thời trang tích cực đưa ra sáng kiến bảo vệ môi trường, tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc,... với cam kết sử dụng 100% sợi tái chế vào năm 2024, không xả thải hoá chất độc hại ra môi trường, Sợi Thế Kỷ đã xây dựng chiến lược phát triển trên 3 trụ cột chính với các mục tiêu Kinh tế, Môi trường, Lao động & Xã hội. Đây là tiền đề cho Sợi Thế Kỷ đón đầu xu hướng thời trang xanh. Theo bà Chi, khi mà người tiêu dùng trở nên khắt khe hơn, yêu cầu sử dụng các sản phẩm xanh và sẵn sàng từ chối những dịch vụ không đạt yêu cầu là lúc doanh nghiệp bắt buộc phải có ESG. Tại Hội thảo, bà Chi đã có những chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững tại doanh nghiệp.

Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững
Bà Nguyễn Phương Chi có phần chia sẻ online tại hội thảo

Chia sẻ chung quan điểm với VNIDA về tầm quan trọng của yếu tố “G” trong thực hành ESG, ông Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch IIA Vietnam khẳng định, ESG cần đi từ cam kết của HĐQT thì mới đi vào đời sống của doanh nghiệp. Ông Hùng nói: “Có thể nói, ESG nếu không có sự “chống lưng” của HĐQT, ESG sẽ không đi đến đâu. Khi HĐQT đã có cam kết thì sẽ phải có chiến lược cụ thể. Và hiệu quả của chiến lược này phải được đo lường bằng chỉ số cụ thể và để thực hiện thì cần có nguồn lực cụ thể”.

Theo ông Hùng, ESG không chỉ là bộ ba tiêu chuẩn đo lường các định hướng, hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp, mà còn bao hàm các rủi ro và cơ hội có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp. Tại Hội thảo, Chủ tịch IIA Vietnam đã có những phân tích chi tiết về các rủi ro tiêu biểu liên quan đến ESG đồng thời chia sẻ mô hình quản trị ESG 3 tuyến cùng quy trình 4 bước về kiểm soát rủi ro ESG. Nói về yếu tố “G” trong thực hành ESG tại doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Hùng nhấn mạnh đến vai trò của Uỷ ban kiểm toán và Kiểm toán nội bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quản trị rủi ro ESG.

Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững
Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch IIA Vietnam

Thực hành báo cáo phát triển bền vững và ESG: Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

Một vấn đề khác được phân tích tại Hội thảo “ESG in Action - ESG với các hành động thực tiễn” đó là thực hành báo cáo của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng Giám đốc CGS Vietnam đã chỉ ra những thực trạng và thách thức về công bố thông tin phát triển bền vững tại Việt Nam. Theo ông Thịnh, hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững riêng còn ít (dưới 10%), doanh nghiệp đang thiếu sự gắn kết giữa chiến lược & hoạt động kinh doanh với sáng kiến phát triển bền vững, thiếu các mục tiêu cụ thể và chưa xác định được các vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc xác định các chỉ số phát triển bền vững và thực hành đo lường, quản lý các chỉ số này của doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến thiếu tính tiêu chuẩn trong báo cáo. Trong thực hành báo cáo phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức như các quy định, thông lệ được cập nhật liên tục; sự cân nhắc giữa lợi ích và chi phí. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng công nghệ chưa phát triển, sự thiếu hụt dữ liệu cho mục đích đo lường và đánh giá.

Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững
Ông Nguyễn Viết Thịnh - Tổng Giám đốc CGS Vietnam

Đưa ra khuyến nghị về thực hiện báo cáo phát triển bền vững, ông Thịnh cho biết, có 2 vấn đề cần tập trung. Thứ nhất, về cơ sở cho việc báo cáo, doanh nghiệp cần tích hợp chiến lược phát triển bền vững trở thành một phần của chiến lược hoạt động của mình, xác định được con người và cơ cấu tổ chức liên quan đến phát triển bền vững và xây dựng hệ thống các chỉ số ESG và hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu. Thứ hai, về cách thực hiện báo cáo, cần lựa chọn khung báo cáo phù hợp, xác định các chủ đề trọng yếu, bảo trợ cho việc công bố thông tin phát triển bền vững và cần có đảm bảo chất lượng báo cáo.

Về những thách thức đối với việc thực hành báo cáo ESG, theo ông Nguyễn Đình Thái - Tổng Giám đốc EGP Vietnam, doanh nghiệp đang phải đối mặt với 4 thách thức chính. Thứ nhất, đó là bản chất đa chiều của ESG. Là một thuật ngữ chung cho nhiều vấn đề riêng biệt, ESG được quản lý bởi các bộ phận khác nhau và yêu cầu các loại dữ liệu khác nhau. Thứ hai là sự phức tạp của hệ số phát thải, gây ra khó khăn trong việc tìm hệ số phát thải cùng ngành sao cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức. Thứ ba là việc tồn tại nhiều quy định báo cáo khác nhau. Thứ tư là nhiều yêu cầu cung cấp thông tin trực tiếp và các yêu cầu có những khác biệt. Cho dù từ xếp hạng hoặc xếp hạng của bên thứ ba, khách hàng hay nhà đầu tư, các công ty thường phải trả lời rất nhiều các yêu cầu mỗi năm.

Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững
Ông Nguyễn Đình Thái - Tổng Giám đốc EGP Vietnam

Để xử lý những vấn đề này, theo ông Thái, doanh nghiệp có thể sử dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ phù hợp, để cải thiện chất lượng và độ tin cậy của dữ liệu, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và cải thiện khả năng ra quyết định. Cùng với đó, cần triển khai giải pháp ESG theo 5 bước: Xác định dữ liệu & báo cáo; Chọn giải pháp phù hợp; Triển khai & đào tạo; Kiểm tra vận hành; Theo dõi và hiệu chỉnh.

Cuối cùng, Hội thảo khép lại với Toạ đàm “Chuyển đổi hành động thành giá trị”, với sự trao đổi sôi nổi, tích cực từ phía các chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp, mở ra thông điệp về tinh thần sẵn sàng đưa nâng cao hiệu quả thực hành ESG để tạo ra những giá trị thực chất.

Bạn đang đọc bài viết "Thực hành ESG: Từ hành động thực tiễn đến giá trị bền vững" tại chuyên mục KINH TẾ - TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com